Bức tranh được gọi là “chuột rước đèn”, có nơi gọi “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, ngày biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi Tết đến xuân về.
Hình tượng chuột trong tranh dân gian Đông Hồ còn thể hiện ở bức tranh “Chuột múa rồng”. Bức tranh thể hiện sự tiếu lâm dân gian, miêu tả đàn chuột Tàu rước rồng trong một lễ hội. Ngày xưa, người Hoa ở Hà Nội hay tổ chức trò vui như múa rồng, múa lân vào các dịp lễ hội như Tết Trung thu. Các cuộc múa rồng được diễu hành qua các con phố. Rồng được làm bằng giấy hay vải đính vào sào. Con chuột được nhân cách hóa cầm sào nhảy múa, uốn lượn. Đoàn rước gồm những con chuột cầm đèn lồng hình cá, hình các loại hoa quả, có nhóm cầm cờ hay phù hiệu, có nhóm nhạc công thổi kèn, đánh trống trên xe kéo, đánh chiêng, đốt pháo. Tổng cộng có 11 chú chuột. Đáng chú ý, những con chuột trong bức tranh này có đuôi rất dài. Có thể đây là do nghệ nhân muốn đặc tả một đặc điểm của người Hoa vào thời Mãn Thanh có cách tết tóc dài đuôi sam một cách đặc biệt.
Người nghệ nhân Đông Hồ mượn hình tượng chuột để nói đến sự nhanh nhẹn, sự ham học, thông minh. Chuột là con vật đứng đầu trong 12 con giáp vì vậy, chuột là loài vật tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng, sự sinh sôi và phát triển trường tồn, thịnh vượng, của cải luôn tràn trề, dư dả. Chính vì vậy, nhiều gia đình thường bày trí tượng hoặc trannh hình chuột trong nhà nhằm cầu mong nhiều điều may mắn, tài lộc, thịnh vượng cho gia đình.